Nhiều người thường xem nhẹ tác hại của bia rượu, cho rằng đó chỉ là những lời đồn thổi. Tuy nhiên, hậu quả của việc lạm dụng bia rượu lại vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mọi cơ quan trong cơ thể. Hãy cùng tìm hiểu về các tác hại của rượu bia đối với sức khỏe qua bài viết này nhé!
1 Ảnh hưởng tới não bộ
Ethanol là thành phần chính trong đồ uống có cồn, len lỏi vào não bộ, phá vỡ sự liên kết giữa các tế bào thần kinh. Hậu quả, gây ra một loạt các triệu chứng say rượu trong thời gian ngắn bao gồm cả mất trí nhớ tạm thời.
Nhưng lạm dụng rượu mạn tính có thể gây ra những tổn thương vĩnh viễn trong não, thường dẫn đến suy giảm chức năng não, tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và gây teo não ở người trung niên và người lớn tuổi.
Trong trường hợp xấu nhất, tổn thương não nghiêm trọng do rượu gây ra có thể làm giảm khả năng sống tự lập của con người. Điều này có nghĩa là người bệnh không còn khả năng tự chăm sóc cá nhân và sinh hoạt bình thường.
Ngược lại, uống rượu vừa phải lại có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, đặc biệt là ở người cao tuổi.
2 Ảnh hưởng tâm lý
Lạm dụng rượu bia không chỉ gây hại cho sức khỏe thể chất mà còn làm tổn thương não bộ và tâm lý:
- Giảm trí nhớ và thiếu tập trung.
- Giảm điều hòa xung động não.
- Khó kiểm soát cảm xúc, tâm trạng và tính cách.
Uống rượu bia thường xuyên cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và thể chất. Rượu làm trầm trọng thêm các triệu chứng về tâm thần bao gồm lo lắng, nôn nao, trầm cảm và rối loạn lưỡng cực.
Rượu bia ảnh hưởng rối loạn hệ thần kinh trung ương, gây ra các bệnh về tâm thần
3 Rối loạn giấc ngủ
Đồ uống có cồn cũng có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh học và đồng hồ sinh học tự nhiên của cơ thể, dẫn đến rối loạn giấc ngủ như mất ngủ. Ngoài ra, chúng còn gây cản trở hô hấp, đặc biệt là chứng ngưng thở khi ngủ.
Uống rượu bia trước khi đi ngủ sẽ làm ức chế giấc ngủ REM, tức là chúng sẽ gây buồn ngủ vào thời điểm đầu. Sau đó đến giữa đêm, nồng độ cồn trong máu giảm xuống khiến giấc ngủ Rem bị ảnh hưởng, làm cho người ngủ thường tỉnh dậy vào giữa đêm.
Ảnh hưởng giấc ngủ rõ nhất mà bạn có thể nhận thấy là bạn sẽ dễ mệt mỏi và mất tập trung vào ngày hôm sau. Do đó, bạn cần kiểm soát được giấc ngủ bằng cách tránh sử dụng đồ uống có cồn trước khi ngủ để tránh các tác động tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
4 Bệnh lý tim
Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay, trong đó phổ biến nhất là bệnh mạch vành, đau tim và đột quỵ. Mối quan hệ giữa tiêu thụ rượu bia và bệnh tim rất phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
- Uống rượu nhẹ đến vừa phải có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
- Uống nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Có một số lý do có thể giải thích cho lợi ích của việc uống rượu vừa phải:
- Tăng cholesterol HDL - một loại cholesterol tốt cho sức khỏe.
- Giảm nồng độ fibrinogen trong máu - chất góp phần tạo ra cục máu đông.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường - một yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim mạch.
- Giảm căng thẳng và lo lắng tạm thời.
5 Tổn thương hệ tiêu hóa
Uống rượu có thể làm tổn thương các mô trong đường tiêu hóa, cản trở ruột tiêu hóa thức ăn, hấp thụ chất dinh dưỡng và vitamin. Nếu tiếp tục uống rượu kéo dài, tổn thương này có thể gây suy dinh dưỡng.
Sự ảnh hưởng của việc uống rượu lên hoạt động của hệ tiêu hóa thường không xảy ra ngay lập tức. Các tác dụng phụ thường chỉ xuất hiện sau khi tổn thương đã xảy ra một thời gian.
Uống nhiều rượu có thể gây ra một số triệu chứng ở đường tiêu hóa như:
- Đầy hơi, ợ hơi.
- Cảm giác đầy bụng.
- Tiêu chảy hoặc táo bón.
- Trĩ.
- Viêm loét đường tiêu hóa.
Viêm loét đường tiêu hóa có thể gây chảy máu trong nguy hiểm, đôi khi có nguy cơ gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tiếp tục uống rượu có thể làm trầm trọng thêm những triệu chứng này.
Người uống nhiều rượu có nguy cơ bị viêm – loét dạ dày cao hơn bình thường
6 Bệnh gan
Gan có chức năng giúp phân hủy, loại bỏ độc tố và các chất có hại bao gồm cả rượu khỏi cơ thể. Sử dụng rượu lâu dài sẽ cản trở quá trình này và làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm gan mạn tính và xơ gan do rượu.
Khi viêm gan mạn tính chuyển thành giai đoạn xơ gan thì gan đã bị tổn thương vĩnh viễn và không thể phục hồi. Bệnh gan do rượu có khả năng đe dọa tính mạng vì tình trạng tích tụ chất độc và chất thải trong cơ thể.
Nghiên cứu cho thấy uống hơn 30 gam rượu (khoảng 2 - 3 lon bia 355ml) hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về gan.
Xem thêm: Top 7 sản phẩm giải độc gan cho người uống rượu bia được khuyên dùng
Lạm dụng bia rượu khiến gan hoạt động quá mức, gây nên các bệnh lý nguy hiểm
7 Tăng huyết áp
Đồ uống chứa cồn có nồng độ càng cao thì sự tác động lên tim càng lớn, khiến cho mạch máu bị xơ vữa và tăng áp lực dòng máu, bắt buộc tim phải hoạt động nhiều hơn.
Sử dụng đồ uống có cồn thường xuyên và lâu dài có thể dẫn đến tăng huyết áp, gây nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe khác.
8 Tăng đường huyết
Uống rượu bia một cách điều độ và vừa phải có thể làm giảm tình trạng kháng insulin, cải thiện các triệu chứng chính của bệnh tiểu đường tuýp 2.
Do đó, uống rượu trong bữa ăn có thể làm giảm mức tăng lượng đường trong máu nhiều hơn 16 – 37% so với uống nước. Chỉ số đường huyết lúc đói cũng có thể được cải thiện.
Trên thực tế, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nói chung có xu hướng giảm khi tiêu thụ rượu vừa phải. Tuy nhiên, khi uống nhiều rượu hay nghiện rượu sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
9 Suy giảm hệ thống miễn dịch
Uống nhiều rượu bia làm suy giảm hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Do đó, cơ thể dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hơn như viêm phổi, lao phổi... hơn người bình thường. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết khoảng 8,1% các trường hợp mắc bệnh lao trên toàn thế giới có liên quan đến việc uống rượu.
Người uống nghiện rượu thường dễ mắc các bệnh về hô hấp
10 Suy giảm khả năng tình dục
Rượu bia có thể gây ra suy giảm khả năng tình dục ở cả nam và nữ. Mặc dù một lượng nhỏ rượu có thể tạo ra cảm giác thư giãn và giảm sự căng thẳng, tuy nhiên việc tiêu thụ quá nhiều có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tình dục.
Ở nam giới, rượu bia có thể làm giảm sản xuất testosterone, hormone quan trọng đối với ham muốn. Trong khi đó, ở nữ giới, rượu bia gây ảnh hưởng đến khả năng tình dục bằng cách làm giảm khả năng kích thích và gây ra sự mất cảm giác trong hoạt động tình dục.
Rượu bia làm giảm khả năng ham muốn ở cả nam và nữ
11 Chức năng sinh sản nam
Rượu bia gây ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của nam giới như:
- Nhu cầu ham muốn giảm do hormone của nam giới bị giảm.
- Rối loạn cương dương tạm thời.
- Giảm chất lượng tinh trùng.
- Gây vô sinh khi sử dụng rượu bia trong một thời gian dài.
Rượu bia có thể gây giảm chất lượng của tinh trùng ở nam giới
12 Chức năng sinh sản nữ
Rượu bia có thể làm giảm khả năng sinh sản ở nữ giới, dù chỉ là một lượng nhỏ. Chúng có thể gây ra các ảnh hưởng liên quan đến sức khỏe sinh sản như:
- Rối loạn kinh nguyệt do tuyến yên không hoạt động bình thường.
- Làm tăng nguy cơ sinh non.
- Sảy thai.
- Thai lưu.
Vì vậy, nếu bạn đang trong thời kỳ mang thai thì nên tránh sử dụng rượu bia để đảm bảo có một sức khỏe thai kỳ khỏe mạnh.
Nữ giới uống rượu nhiều có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn
13 Tác động xấu đối với thai nhi
Như đã nói ở trên, phụ nữ trong thời kỳ mang thai nên tránh sử dụng rượu bia vì chúng có thể gây ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Hậu quả nặng nề của việc sử dụng đồ uống có cồn khi mang thai có thể kể đến:
- Sinh non.
- Sảy thai.
- Lưu thai.
- Dị dạng vùng sọ - mặt.
Mẹ bầu nên tránh dùng đồ uống có cồn để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh
14 Tăng nguy cơ ung thư
Các nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ rượu bia làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, bao gồm ung thư vòm họng, miệng, đại tràng, vú và gan. Nguyên nhân là vì các tế bào niêm mạc ở miệng và cổ họng đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác hại của rượu.
Ngay cả việc uống rượu lượng vừa phải (tối đa 1 ly mỗi ngày) cũng có liên quan đến việc tăng 20% nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng và cổ họng. Tỷ lệ này tăng lên theo lượng rượu bia tiêu thụ, hơn 4 ly rượu mỗi ngày có thể làm tăng gấp 5 lần nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Uống rượu bia nhiều sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư
15 Tăng nguy cơ các bệnh thận
Do đặc tính lợi tiểu khi dùng rượu bia nên người ta thường có xu hướng tiểu tiện nhiều hơn. Điều này làm cơ thể mất đi một lượng nước đáng kể, gây ảnh hưởng đến khả năng cân bằng điện giải của thận.
Khi sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn, nồng độ cồn trong máu tăng cao khiến chức năng của thận bị suy giảm nên gây ra các bệnh lý về thận như suy thận cấp.
Uống rượu bia nhiều có thể gây ra tình trạng suy thận cấp
16 Béo phì
Lượng calo có trong rượu bia tương đương với lượng calo có trong nước ngọt, thậm chí là cao hơn. Uống rượu bia khiến người ta có xu hướng ăn nhiều hơn và giảm hoạt động thể lực hơn, từ đó gây nên tình trạng tăng cân, béo phì.
Việc sử dụng nhiều rượu bia sẽ làm kích thước vòng eo của bạn lớn hơn, tuy nhiên đó không chỉ đơn thuần là mỡ bụng mà còn có thể là lượng chất béo bên trong khoang bụng của bạn (hay còn gọi là mỡ nội tạng).
Mỡ nội tạng là chất béo làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, đột quỵ,...
17 Nguy cơ bệnh Gout
Sử dụng rượu bia trong một thời gian dài, cơ thể không chuyển hóa được hết, dẫn đến tình trạng tích trữ một lượng cồn lớn bên trong cơ thể và vượt quá ngưỡng thời gian cho phép, gây ra các rối loạn trong quá trình chuyển hóa và trao đổi năng lượng của cơ thể.
Việc tích tụ chất cồn tại các ổ khớp và hàm lượng acid uric trong máu dư thừa, gây phá hủy mạn tính những ổ khớp tạo ra những cơn đau nhức cho bệnh nhân. Người mắc bệnh gout sẽ bị hạn chế trong việc di chuyển và phải đối diện với các cơn đau nhức, sưng tấy tại các đầu ngón tay, ngón chân.
18 Thúc đẩy quá trình lão hóa
Đồ uống có cồn gây lợi tiểu khiến cơ thể và da của bạn bị mất nước, từ đó làm quá trình lão hóa của bạn diễn ra nhanh chóng hơn, có thể nhìn thấy thông qua các dấu hiệu như da bong tróc, sẫm màu, xanh xao hoặc tóc khô xơ hơn.
Lượng cồn có trong rượu bia cũng làm cạn kiệt nguồn vitamin A và vitamin C trong cơ thể, ảnh hưởng tới việc phục hồi da, giảm khả năng tránh các tác nhân từ môi trường gây hại cho da. Ngoài ra, chúng cũng khiến bạn cảm thấy da mỏng hơn và dễ nhận thấy các mạch máu ở dưới da.
19 Viêm tụy
Tuyến tụy đóng vai trò sản xuất và điều hòa hormone trong cơ thể, bao gồm insulin và glucagon. Khi uống quá nhiều, rượu bia sẽ kích hoạt bất thường các enzyme tiêu hóa ở trong tuyến tụy, gây ra các bệnh về tụy như:
- Viêm tụy cấp là bệnh lý gây nguy hiểm tới tính mạng con người do ngộ độc rượu kéo dài.
- Viêm tụy mạn tính làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng, suy giảm hệ thống miễn dịch.
- Khi tuyến tụy bị mất chức năng, không có hormone tạo ra insulin, từ đó gây ra bệnh tiểu đường type 2.
Rượu bia sẽ gây kích hoạt các enzyme bất thường tiêu hóa ở trong tuyến tụy.
20 Loãng xương
Sử dụng rượu lâu dài có thể ảnh hưởng đến mật độ xương, dẫn đến tình trạng loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương nếu bị ngã. Rượu bia cũng làm chậm tốc độ hồi phục sau gãy xương.
Ngoài ra, tiêu thụ rượu cũng có thể dẫn đến một số tình trạng ở cơ như nhược cơ, chuột rút và cuối cùng là teo cơ.
21 Tăng cân
Rượu là chất dinh dưỡng giàu calo thứ hai sau chất béo - chứa khoảng 7 calo mỗi gram (một cốc bia tiêu chuẩn 355 ml chứa khoảng 153 calo). Bia có lượng calo tương tự như nước ngọt có đường và rượu vang đỏ có lượng calo gấp đôi.
Tuy nhiên, các nghiên cứu về mối liên hệ giữa rượu và cân nặng đã cho kết quả không nhất quán. Uống rượu ở mức độ nhẹ đến vừa phải có liên quan đến việc giảm cân, trong khi uống nhiều rượu có liên quan đến việc tăng cân.
Trên thực tế, uống bia thường xuyên có thể làm tăng kích thước vòng eo, gây ra một tình trạng gọi là "bụng bia". Do đo, lạm dụng rượu bia có thể gây tăng cân, béo phì.
Uống bia rượu thường xuyên có thể làm tăng kích thước vòng eo
22 Tương tác có hại với một số thuốc
Đồ uống có cồn nói chung sẽ gây tương tác với một số loại thuốc và gây ra một vài tác dụng phụ, một số thuốc gây tương tác với rượu như: .
- Thuốc huyết áp: Làm thay đổi áp lực máu, có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc, gây ra huyết áp không ổn định.
- Thuốc an thần và điều trị rối loạn lo âu: Gia tăng nguy cơ tác dụng phụ như buồn ngủ, mất cân bằng và làm suy giảm hiệu quả của thuốc.
- Thuốc giảm đau: Làm gia tăng tác động lên hệ thống thần kinh, làm tăng nguy cơ các vấn đề về gan, thận và tiêu hóa.
- Thuốc giãn cơ: Làm tăng tác dụng của thuốc gây mất cân bằng, chóng mặt hoặc suy giảm chức năng cơ bắp, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
- Thuốc điều trị đái tháo đường: Gây giảm đường huyết, đặc biệt nếu rượ bia được tiêu thụ khi đang sử dụng cùng với thuốc điều trị đái tháo đường sẽ tạo ra nguy cơ hạ đường huyết.
- Thuốc giảm cholesterol máu: Làm tăng nguy cơ tác dụng phụ đến gan, đặc biệt khi sử dụng rượu trong lượng lớn hoặc thường xuyên.
- Thuốc chống trầm cảm: Tăng tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm, làm tăng nguy cơ suy giảm tâm trạng và tác động không mong muốn lên tâm lý.
- Thuốc chống loạn thần: Gây ra các tác dụng phụ như chóng mặt, buồn nôn, hoặc làm suy giảm hiệu quả của thuốc, ảnh hưởng đến điều trị và sức khỏe tinh thần.
Nên tránh việc sử dụng rượu khi đang sử dụng kháng sinh hay bất cứ một loại thuốc nào
Xem thêm:
- Top 7 sản phẩm giải độc gan cho người uống rượu bia được khuyên dùng
- Cách uống bia không bị đầy bụng và mẹo giảm đầy bụng do rượu bia
- 8 cách uống bia không say hiệu quả và mẹo giảm mệt mỏi dịp Tết
Trên đây là 22 tác hại của bia rượu đối với sức khỏe con người. Những hệ lụy lâu dài mà rượu bia gây ra là không thể lường trước được, vậy nên hạn chế sử dụng rượu bia là một trong những cách giúp bạn bảo vệ sức khỏe của bạn. Nếu gặp khó khăn trong việc bỏ rượu bia, hãy liên hệ với các y, bác sĩ để được sự giúp đỡ kịp thời.
Bạn đang xem bài viết 21 tác hại của rượu bia đối với sức khỏe mà bạn nên tránh tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].