Ngủ ngáy gây ra ồn ào, khó chịu đến những người xung quanh. Ngoài ra, người bị ngủ ngáy mà còn thường xuyên đau họng, viêm thanh quản… Cùng tìm hiểu về những cách chữa ngủ ngáy hiệu quả qua bài viết dưới đây nhé!
1 Ngủ ngáy là gì?
Ngủ ngáy là trình trạng phát ra âm thanh thở ồn ào hơn bình thường trong khi ngủ, mà đôi khi người bệnh không biết.
Các mô mềm trong mũi và họng rung lên khi thở. Các cơ này bị giãn dẫn đến khẩu kính hầu họng bị hẹp, khi thở không khí đi qua làm chúng bị rung lên tạo ra tiếng ngáy.
Tùy theo mức độ khác nhau mà người ngủ ngáy có thể phát ra âm thanh nhỏ hoặc rất lớn gây khó chịu cho mọi người. Ngoài biện pháp can thiệp bằng phẫu thuật thì phần lớn người bệnh cũng có thể cải thiện ngủ ngáy thông qua việc thay đổi lối sống.
Ngủ ngáy là tình trạng phát ra tiếng rung động, khàn đặc trưng khi ngủ
2 Nguyên nhân ngủ ngáy
Bất kỳ yếu tố nào gây chèn ép, hẹp lòng vùng hầu họng, thanh quản đều có thể dẫn đến ngủ ngáy. Một số nguyên nhân chính của bệnh gồm:
- Các bệnh lý gây nghẹt mũi như viêm mũi dị ứng, viêm mũi, viêm xoang hoặc vẹo vách ngăn mũi, ung thư vòm họng…
- Tình trạng nhược cơ, béo phì khiến lưỡi chèn ép vào cổ họng, cản trở lưu thông không khí khi ngủ.
- Viêm amidan do amidan sưng to ở hai bên họng.
- Sử dụng rượu bia, các chất kích thích quá nhiều hoặc nằm ngửa và nằm sấp cũng có thể dẫn đến ngủ ngáy.
Viêm mũi là một nguyên nhân gây ngủ ngáy
3 Những vấn đề sức khỏe liên quan đến ngủ ngáy
Ngủ ngáy nếu không được can thiệp sớm không những ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày mà còn có thể dẫn đến nhiều bất lợi đối với sức khỏe như:
- Khô họng, khàn tiếng sau khi ngủ dậy.
- Ngủ không sâu giấc, thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm, mất ngủ khiến cơ thể mệt mỏi.
- Gây ra hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến tử vong.
- Làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và tai biến mạch máu não.
Ngủ ngáy dẫn đến ngủ không sâu, mất ngủ
4 Các cách trị ngủ ngáy tại nhà
Thay đổi tư thế ngủ
Lưỡi và các cơ vòm họng có thể bị đẩy nhiều hơn về phía trong khi nằm ngủ ngửa hoặc sấp. Điều này khiến lòng đường thở bị hẹp hơn và gây ra tiếng ngáy.
Việc thay đổi tư thế ngủ từ nằm thẳng sang nghiêng về một bên sẽ giúp lưu thông không khí tốt hơn và cải thiện bệnh. Đồng thời bạn có thể dùng thêm các loại đệm, gối hơi để có ngủ ngon giấc hơn.
Ngủ nghiêng sang 1 bên có thể làm giảm ngủ ngáy
Tránh ăn quá no
Lượng thức ăn còn trong dạ dày quá nhiều trước khi đi ngủ có thể khiến bạn cảm thấy đầy bụng, ợ hơi và làm tăng tình trạng ngủ ngáy. Do đó để giảm tình trạng này, bạn nên:
- Hạn chế ăn quá no trước khi đi ngủ từ 3 - 4 giờ.
- Tránh các thức ăn chiên rán, giàu chất béo mà nên thay thế bằng rau xanh và thực phẩm dễ tiêu hóa.
- Không sử dụng nước ngọt có ga trước khi đi ngủ.
Hạn chế ăn quá no trước khi ngủ để tránh ngủ ngáy
Uống đủ nước
Các tế bào xuất tiết trong mũi cần được cung cấp đủ độ ẩm để có thể bài tiết chất nhầy giúp bảo vệ mũi, làm ướt không khí đi vào đường thở. Vì vậy, việc uống đủ từ 1.5 - 2 lít nước mỗi ngày có thể tránh tình trạng khô mũi và vòm họng gây nghẹt mũi dẫn đến ngủ ngáy.
Uống đủ nước mỗi ngày giúp làm ẩm mũi họng và hạn chế bệnh
Uống trà thảo mộc
Một số loại trà thảo dược có thể giúp làm dịu cổ họng và đường mũi, từ đó giảm chứng ngáy. Các ví dụ bao gồm:
- Trà bạc hà: Trà bạc hà hoạt động như một loại thuốc thông mũi tự nhiên, giúp mở đường hô hấp.
- Trà hoa cúc: Trà hoa cúc có đặc tính thư giãn, thúc đẩy giấc ngủ chất lượng hơn, giúp giảm ngáy.
- Trà gừng: Trà gừng có đặc tính chống viêm, giúp giảm viêm ở đường thở và giảm ngáy.
Uống các loại trà thảo dược này trước khi đi ngủ có thể giúp giữ ấm cổ họng, hạn chế khô rát, giảm đau tạm thời và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Nhờ vậy có thể làm giảm hiện tượng ngủ ngáy gây ồn ào.
Uống trà hoa cúc có thể giúp hạn chế ngủ ngáy
Thực hiện các bài tập cho lưỡi
Cơ lưỡi giãn quá mức, tụt vào bên trong gây chèn ép đường thở là nguyên nhân phổ biến ở người ngủ ngáy. Do đó, thực hiện một số bài tập giúp tăng cường sức mạnh của lưỡi có thể giảm ngủ ngáy hiệu quả như:
- Cuộn lưỡi: đưa lưỡi ra phía sau vòm họng và hút miệng thật chặt để không còn khoảng trống bên trong.
- Trượt lưỡi: để đầu lưỡi chạm vào mặt trong răng cửa, sau đó từ từ di chuyển lưỡi từ ngoài vào trong và ngược lại một cách nhịp nhàng.
- Lưỡi chạm hàm: để lưỡi nằm ở phía trong răng rồi đẩy đầu lưỡi xuống phía hàm dưới.
Để phương pháp này đạt được hiệu quả cao, bạn nên kiên trì tập luyện từ 2 - 3 lần mỗi ngày vào thời gian rảnh rỗi. Bạn sẽ thấy tình trạng ngủ ngáy được cải thiện đáng kể sau vài tuần.
Thực hiện các bài tập lưỡi có thể làm săn chắc cơ vùng họng và giảm ngủ ngáy
Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí
Không khí trong phòng được duy trì ở mức độ ổn định có thể hạn chế khô miệng, vòm họng và các bệnh lý viêm mũi khác. Nhờ vậy, tình trạng ngủ ngáy sẽ được cải thiện và bạn cũng được ngủ sâu và thoải mái hơn.
Sử dụng máy tạo ẩm không khí có thể giúp ngăn ngừa bệnh
Không hút thuốc lá
Các chất độc hại như nicotin, benzen hoặc nitrosamine… có thể gây kích thích, sưng nề niêm mạc hô hấp dẫn đến hẹp lòng đường thở dẫn đến ngủ ngáy. Do đó, bạn nên bỏ thuốc lá cũng như hạn chế tiếp xúc với khói thuốc để giảm thiểu tình trạng này.
Người ngủ ngáy nên hạn chế hút thuốc lá để hạn chế bệnh
Hạn chế rượu bia
Cơ vùng họng có thể bị giãn quá mức dưới tác dụng ức chế của rượu bia. Do đó, bạn không nên sử dụng các loại đồ uống này, nhất là trước khi đi ngủ nếu muốn cải thiện tình trạng ngủ ngáy.
Không uống rượu bia trước khi đi ngủ có thể giảm ngủ ngáy
Kê cao gối
Việc kê cao đầu với góc khoảng 12 độ có thể làm tăng trương lực của cơ vùng hầu họng giúp mở rộng đường thở. Vì vậy muốn giảm ngủ ngáy, bạn nên chuẩn bị cho mình một chiếc gối êm ái có độ cao phù hợp với vùng cổ gáy của bản thân.
Ngủ cao đầu giúp thông thoáng đường thở, giảm ngủ ngáy
Kiểm soát cân nặng
Người thừa cân, béo phì có khối lượng cơ và mỡ vùng mặt, cổ và vòm họng dày cũng có thể là nguyên nhân gây ngủ ngáy. Việc giảm cân khoa học, đặt mục tiêu ban đầu duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 25kg/m2 hoặc trở về cân nặng ban đầu lúc chưa tăng cân ở những bệnh nhân có BMI < 25kg/m2 sẽ giúp giảm hiện tượng ngủ ngáy ở những đối tượng này.
Kiểm soát cân nặng ổn định là một biện pháp hạn chế tình trạng ngủ ngáy
Dụng cụ nong mũi
Thiết bị này được đặt trên sống mũi sẽ giúp mở rộng đường thở và tránh người bệnh ngủ há miệng gây ra tiếng ngáy. Tuy nhiên, dụng cụ này chỉ là bước đầu hỗ trợ giảm triệu chứng ngủ ngáy, không phải là phương pháp điều trị đối với những người ngủ ngáy thường xuyên và khó điều trị.
Dụng cụ nong mũi có thể giúp giảm ngủ ngáy
Tránh uống thuốc an thần trước khi đi ngủ
Thuốc an thần có tác dụng thư giãn thần kinh, giảm kích thích cơ bắp. Vì vậy, bạn nên hạn chế sử dụng thuốc an thần trước khi đi ngủ để tránh rối loạn chuyển động lưỡi, giãn cơ vòm họng dẫn đến ngủ ngáy.
Người ngủ ngáy không được tự ý uống thuốc an thần
Sử dụng ống ngậm chống ngáy
Ngoài các biện pháp trên, người thường xuyên bị ngáy gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống có thể sử dụng ống ngậm chống ngáy để cải thiện bệnh. Đây là một dụng cụ bằng nhựa, màu trong suốt được đưa vào miệng, mũi giúp ổn định cấu trúc và tránh há miệng khi ngủ.
Ống ngậm chống ngủ ngáy có thể giúp hạn chế bệnh hiệu quả
5 Cách chữa ngủ ngáy với hội chứng ngưng thở khi ngủ
Ngủ ngáy có thể dẫn đến hội chứng ngưng thở khi ngủ gây ra thiếu oxy máu và đe dọa tính mạng người bệnh. Vì thế, một số biện pháp sau có thể giảm thiểu tình trạng này.
Dụng cụ chuyên dụng
Dụng cụ bằng miệng là thiết bị được nha sĩ làm riêng cho từng bệnh nhân dựa trên cấu trúc răng và hàm mặt. Người bệnh có thể đeo nó kể cả khi ngủ nhằm giữ vững vị trí lưỡi và các cơ vòm họng làm mở rộng đường thở.
Bạn có thể dùng dụng cụ ngậm miệng để giảm ngưng thở trong ngủ ngáy
Áp lực đường thở dương liên tục (CPAP)
Việc liên tục đưa vào đường thở một áp lực dương thông qua mặt nạ hoặc hệ thống khí có thể duy trì đường kính vòm họng và cải thiện ngủ ngáy. Tuy nhiên, trong giai đoạn bắt đầu điều trị CPAP người bệnh có thể chưa quen và khó chịu khi đeo dụng cụ bên ngoài, ngủ không sâu do tiếng ồn của máy
Máy thông khí áp lực dương sẽ hạn chế tình trạng ngưng thở khi ngủ
Phẫu thuật đường thở trên
Ngủ ngáy có rất nhiều nguyên nhân và phẫu thuật hiện tại được xem xét cuối cùng khi áp dụng các biện pháp khác không hiệu quả. Tuy nhiên, phẫu thuật được ưu tiên ở những trường hợp bất thường cấu trúc giải phẫu đường hô hấp trên, amydal quá phát.
6 Có nên sử dụng thuốc chống ngáy ngủ không?
Bên cạnh các biện pháp thay đổi lối sống, bạn cũng có thể giảm ngủ ngáy bằng việc sử dụng một số thuốc như asonor hoặc snoreeze. Người bệnh có thể sử dụng thuốc ở dạng uống hoặc thuốc xịt họng với tác dụng làm chắc cơ vòm họng nhanh chóng.
Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như khó thở, khó nuốt. Vì vậy, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Bạn cũng có thể dùng các loại thuốc xịt chống ngủ ngáy
7 Khi nào cần gặp bác sĩ?
Dấu hiệu
Tình trạng ngủ ngáy diễn ra nhiều ngày khiến sức khỏe thể chất và tinh thần đều bị suy giảm. Vì thế bạn nên đến gặp bác sĩ sớm nếu gặp các biểu hiện sau:
- Tiếng ngáy quá to gây ảnh hưởng đến mọi người.
- Ngủ ngáy kèm theo ngủ không sâu giấc, mệt mỏi.
- Sáng thức dậy bị khô cổ, đau rát họng.
- Có hội chứng ngưng thở khi ngủ: người nhà quan sát thấy có những đợt ngưng thở/giảm thở khi đang ngủ. Mệt mỏi vào ban ngày, không tập trung, ngủ gật.
Các bệnh viện chuyên khoa tai - mũi - họng uy tín
Để được thăm khám và điều trị ngủ ngáy hiệu quả, bạn nên đến kiểm tra tại các bệnh viện uy tín của địa phương hoặc tham khảo một số địa chỉ sau:
- Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Tai Mũi Họng Tp. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược Tp. Hồ Chí Minh…
- Hà Nội: Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Xanh Pôn…
Xem thêm:
- Mất ngủ: Nguyên nhân, biến chứng nguy hiểm và cách điều trị
- 11 thực phẩm giúp ngủ ngon bạn nên lưu ý ngay
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn biết được những phương pháp giúp cải thiện tình trạng ngủ ngáy hiệu quả. Hãy chia sẻ thông tin này đến với người thân và bạn bè của bạn nhé!
Bạn đang xem bài viết 16 cách chữa ngủ ngáy nhanh chóng, hiệu quả ngay tại nhà tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].